Publiée le 6 déc. 2012
Xẩm: Viếng mộ Bạch Cư Dị
Làn điệu: Xẩm Tàu Điện, Lẩy Kiều
Lời thơ: Hữu Ước
Biểu diễn: NSDG Mai Tuyết Hoa
Publiée le 6 déc. 2012
Xẩm: Viếng mộ Bạch Cư Dị
Làn điệu: Xẩm Tàu Điện, Lẩy Kiều
Lời thơ: Hữu Ước
Biểu diễn: NSDG Mai Tuyết Hoa
Publiée le 6 déc. 2012
Xẩm: Thơ Chơi
Làn điệu: Xẩm Tàu Điện, Ngâm Sa Mạc
Lời thơ: Hữu Ước
Biểu diễn: NSDG Mai Tuyết Hoa
Mise en ligne le 26 oct. 2011
Công Cha như núi Thai Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
![]() |
Mai Tuyết Hoa. |
Sau nghệ nhân Hà Thị Cầu, Mai Tuyết Hoa đang nổi lên như một nghệ sỹ sáng giá của nghệ thuật hát xẩm. Có thể nói, từ tình yêu đặc biệt với xẩm của cô gái trẻ này mà nghệ thuật xẩm không còn đối mặt với nguy cơ thất truyền.
Trơ mặt” xin được biểu diễn
Cùng nghệ sĩ Quang Long (phải)
* Mai Tuyết Hoa sinh năm 1975 trong một gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật âm nhạc. Chị tốt nghiệp khoa Nhạc cụ truyền thống – chuyên ngành đàn nhị tại Nhạc viện. Hiện chị là biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Mai Tuyết Hoa bắt đầu tự học xẩm từ năm 1998. Hiện Việt Nam có khoảng hơn 10 nghệ sỹ có thể hát được xẩm nhưng nghệ nhân Hà Thị Cầu và Mai Tuyết Hoa là những người ít ỏi có thể vừa chơi đàn nhị vừa hát. Hiện chị vẫn thường xuyên tham gia cùng các nghệ sỹ khác trình diễn tại chiếu xẩm chợ đêm Đồng Xuân (Hà Nội) vào các tối thứ 7. * Ngày 18/3/2009 (tức ngày 22/2 âm lịch), lễ giỗ tổ nghề xẩm đựơc tổ chức tại đình Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội). Theo truyền thống, ngày 22/2 hoặc 22/8 âm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ nghề xẩm. Tuỳ theo từng năm, những người hát xẩm sẽ tổ chức giỗ tổ vào một trong hai thời điểm này. Theo truyền thuyết, ông tổ nghề xẩm chính là Trần Quốc Đĩnh (con trai của vua Trần Thánh Tông).
|
Vậy là cuối cùng nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng được trở về với tổ xẩm sau bao nhiêu năm cô độc trên cõi nhân gian.
Gần chục năm nay, việc trở về Yên Mô, Ninh Bình thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu với chúng tôi đã trở thành một thói quen. Lúc đầu chỉ đơn thuần là công việc của những người hoạt động nghiên cứu sưu tầm âm nhạc dân gian, nhưng dần dà nó đã trở thành một nhu cầu. Nhu cầu ấy xuất phát từ tình cảm, từ sự yêu mến tài năng và cách giao tiếp hồn nhiên, hóm hỉnh của người nghệ nhân được ví như báu vật sống cuối cùng của nghệ thuật hát xẩm Việt Nam. Chừng ấy năm về nhưng chưa một lần biết tuổi thật của bà. Tôi còn nhớ lần đầu là năm 2005, khi ấy chị con gái giới thiệu với chúng tôi nghệ nhân năm nay đã gần 90. Thế mà bảy-tám năm sau khi đã về nhiều và rất quen thuộc rồi tôi vẫn chưa biết tuổi thật, có hỏi thì lúc 91 lúc lại 89, phải mãi tới dịp giáp Tết Quý Tỵ vừa rồi, khi nhận được cuộc điện thoại từ chị Mận, con gái nghệ nhân, báo bà đã bệnh quá nặng, về thăm mới nghe chị Mận bảo bà sinh năm 1928.
Bà Cầu tên thật là Hà Thị Năm, là đời thứ tư của gia đình theo nghiệp xẩm. Cha bà là một trùm xẩm ở Ý Yên, Nam Định, nơi lúc thịnh có tới sáu gánh hát. Tám tuổi bà đã được đi hát kiếm sống cùng gia đình nhưng cha mất sớm, mẹ con bà phải về Yên Mô ở nhờ nhà một người bạn xẩm. Chẳng hiểu có phải vì tài đàn hát của ông trùm xẩm Chánh trương Mậu đã làm rung động trái tim của cô gái tuổi trăng tròn hay không mà năm ấy, bà quyết định trở thành người vợ thứ 18 của ông. Sống với nhau chẳng được bao lâu thì ông bỏ bà về với tổ xẩm. Một mình với ba người con, bà đành cho đi một, giữ lại anh con trai tên Cầu và chị Mận.
Cuộc sống thời điểm những năm giữa thế kỷ XX, khi mà khắp mọi nơi đang ngập tràn khí thế xây dựng kinh tế mới, đời sống mới, những giá trị truyền thống ít nhiều bị xao nhãng. Những gánh xẩm thì bị coi là ăn xin ăn mày và đã được vận động vào hoạt động sản xuất tại các trung tâm thuộc hội người mù. Còn bà mắt sáng, có thời gian trở về đoàn Chèo tỉnh Ninh Bình sinh hoạt nhưng đã ngấm xẩm chẳng thể hợp chèo, bà bỏ quãng trở về, tiếp tục giữ nghiệp cầm ca của tổ nghề. Bà vẫn ngày ngày cầm cây đàn đi ra chốn đông người hát kiếm tiền nuôi sống gia đình. Cho tới những năm đầu 1990 bà vẫn giữ nếp làm việc ấy. Chỉ mươi năm trở lại đây, do tuổi đã cao, bà mới chịu ngồi nhà. Chờ những dịp xuân thu nhị kỳ khắp nơi tưng bừng mở hội, nơi đâu mời bà đều có mặt để dâng tiếng hát lời ca.
Báu vật sống cuối cùng của nghệ thuật hát xẩm Việt Nam Hà Thị Cầu
Có lẽ cái trăn trở nhất của bà là xẩm sẽ sống thế nào một mai khi bà không còn cất lên được giọng hát giữa cõi đời này nữa. Vì vậy, đầu những năm 2000, khi Viện Âm nhạc mời bà ra truyền dạy cho một số nghệ sĩ trẻ của Viện, bà đã rất vui, bỏ công việc nhà cửa ra Hà Nội đến vài tuần mà không hề nghĩ tới khoản thù lao sẽ được là bao nhiêu. Cũng từ buổi đó, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã có thêm những người học trò như Mai Tuyết Hoa, sau đó là Thao Giang, Thanh Ngoan, Hạnh Nhân, Thúy Ngần, Quang Long, Khương Cường… để cùng Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN quyết tâm đánh thức hát xẩm. Đã có những ánh sáng le lói trên con đường xẩm – tôi biết bà vui vì điều này.
Năm 2008 chúng tôi tổ chức một đêm nhạc với tên gọi Đêm hát xẩm – trống quân mừng xuân Mậu Tý tại Nhà hát lớn Hà Nội, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã rất vui và có mặt từ rất sớm. Bữa ấy, nghệ nhân hát bài Theo Đảng trọn đời, một manh chiếu trải giữa sân khấu trước sự ngạc nhiên của khán giả bỗng biến thành thánh đường nghệ thuật và thật kỳ lạ vì có lẽ đó là lần đầu tiên một loại hình nghệ thuật đường phố, bình dân nhất trong các loại bình dân vốn gắn với những anh xẩm khiếm thị khốn khó xuất hiện ở Nhà hát lớn. Dẫu thế thì cũng chẳng mảy may ảnh hưởng tới tâm lý của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Bà cứ đủng đỉnh bước ra giữa manh chiếu, từ từ ngồi xuống, nhai nốt miếng trầu, giơ tay lên vuốt miệng, rồi mới vút lên tiếng nhị cùng giọng hát vừa dí dỏm như đang trêu ghẹo ai đó, lại vừa nghiêm túc với những lời ca đầy ý nghĩa.
Hôm tôi về thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu vừa rồi, bà đã không còn nói được nữa. Hỏi chị Mận bà có dặn dò gì không, chị nói: “Bu bảo khi mất nhớ mua cho bu một miếng vàng mỏng, mấy phân cũng được, để bu gối lên đầu”. Chị Mận thấy lạ hỏi tiếp tại sao lại như thế thì bà cho biết: Ngày trước bà đã làm như thế khi ông Chánh trương Mậu về với tổ xẩm. Ông bảo như thế là để mong cho sau khi ông mất rồi bà vẫn giữ nghề và nghề hát xẩm ngày càng được nhiều người hát hơn. Bà Cầu còn dặn dò kỹ chị Mận khi bà mất không được bán ngôi nhà mà cả đời bà chắt chiu mới mua được. Bà muốn chị Mận tiếp tục ở và trở thành nơi đặt bàn thờ bà. Bà cũng không quên dặn không được cho ai hai cây đàn nhị và trống mảnh với sênh, tất cả phải được đặt lên bàn thờ của bà, riêng hai cây đàn nhị dựng ở hai bên để bất cứ lúc nào bà cũng có thể đàn hát.
Chúc cho nghệ nhân Hà Thị Cầu sẽ được thoải mái đàn ca và thật bình yên ở cõi vĩnh hằng.
Quang Long (phunuonline.com.vn)
So với độ tuổi của một nghệ nhân, Mai Tuyết Hoa còn quá trẻ. Nhìn cô trong trang phục quần jean áo pull và “cưỡi” Attila đến cơ quan hoặc dạo phố với bạn bè, không ai nghĩ đó chính là cô gái bận váy đụp áo nâu, đội nón rách, mang áo tơi… như một người hát xẩm chính cống vào các tối thứ bảy trên phố đi bộ (Hàng Ngang, Hàng Đào) ở Hà Nội trong thời gian gần đây.
Không sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng bố là người yêu thích dân ca, năm 8 tuổi, Tuyết Hoa được bố cho thi vào Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và học sơ cấp đàn nhị, loại đàn “cò” mà Tuyết Hoa thường thấy trong các đám ma và cũng chẳng có mấy cảm tình bởi thường bị bạn bè cùng lứa trêu chọc.
Nhưng cây đàn nhị đối với cô như một cái duyên, cái nghiệp. Hết sơ cấp, trung cấp ở Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội rồi học luôn đại học (Nhạc viện Hà Nội) cũng với cây đàn này.
Nhưng từ năm thứ hai đại học (1996), có thể nói đó là bước ngoặt quan trọng của Tuyết Hoa, khi cô cộng tác với Viện Âm nhạc Việt Nam, chuyên ghi lời và ký âm lại một số tư liệu điền dã âm nhạc của Viện.
Đây cũng là giai đoạn Tuyết Hoa tiếp cận với nhiều loại hình âm nhạc dân gian, trong đó có hát xẩm. Mặc dù đang là sinh viên môn đàn nhị của Nhạc viện, nhưng những gì cô được tiếp cận ở nhà trường vẫn chỉ là những nốt nhạc khô khan. Khi tiếp xúc với những tư liệu điền dã, cô như được sống với những sinh hoạt âm nhạc sống động của thực tiễn, đặc biệt là những ngón rung, nhấn của đàn nhị khi hòa điệu cùng giai điệu các giọng hát của các nghệ nhân, nó đã biểu lộ được những cảm xúc mà trước đây chỉ đàn những nốt nhạc, Hoa chưa cảm nhận được hết cái hồn của nó.
Đặc biệt nội dung lời ca mộc mạc, chân tình của hát xẩm đã giúp Hoa hiểu thêm về tâm cảm của người xưa, đem cô lại gần hơn với tinh thần và cội rễ của âm nhạc dân tộc. Với chuyên môn đàn nhị được đào tạo ở Nhạc viện và với việc trực tiếp thọ giáo những ngón đàn, điệu hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu (Ninh Bình), các cụ Trùm Nguyên, Thân Đức Chinh – những người hát xẩm nổi tiếng ở phố Khâm Thiên – cùng sự dìu dắt của các nghệ sĩ Thao Giang, Xuân Hoạch, Hạnh Nhân, Văn Ty ở Viện Âm nhạc, Tuyết Hoa đã thật sự bước vào thế giới hát xẩm với tất cả tình yêu say đắm và có những tiến bộ nhanh chóng.
Ở Liên hoan tiếng hát dân ca toàn quốc năm 2005 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, trong đêm ca trù – hát xẩm, Mai Tuyết Hoa là nghệ sĩ trẻ nhất của đêm diễn và đã để lại cho người nghe nhiều ấn tượng.
Theo tiến sĩ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc: “Đặc biệt vừa chơi đàn cò tốt và vừa hát xẩm chỉ có Tuyết Hoa, cô là người có điều kiện đầy đủ nhất trong việc tiếp thu nghệ thuật hát xẩm từ nghệ nhân Hà Thị Cầu”.
Hiện nay Mai Tuyết Hoa công tác ở Viện Âm nhạc và thường xuyên biểu diễn hát xẩm trong chương trình Phát triển âm nhạc dân tộc mỗi tối thứ bảy ở phố đi bộ Hà Nội.
Đối với Hoa, nghe và hát những làn điệu xẩm như một nhu cầu cấp thiết hằng ngày, không có không chịu được.
Mai Tuyết Hoa được xem như gương mặt nghệ sĩ trẻ nhiều triển vọng hiện nay có đủ điều kiện, năng lực và nhiệt huyết để tiếp thu, lưu giữ nghệ thuật hát xẩm đang đứng trước tình trạng quá ít lực lượng trẻ kế thừa.
Theo Thể thao và Văn hóa
Thứ hai, 24 Tháng bảy 2006, 09:12 GMT+
http://vietbao.vn/Van-hoa/Mai-Tuyet-Hoa-nghe-si-tre-hat-xam/40152124/181/
(NHN) Trong tiềm thức của giới trẻ ngày nay đã không còn hứng thú với những điệu quan họ ngọt ngào, những vở tuồng hay những câu xẩm…họ không mặn mà thậm chí quay lưng với âm nhạc dân tộc. Vậy tôi, bạn, chúng ta, những người trẻ nghĩ gì khi truyền thống dần bị lãng quên? tinh hoa dân tộc dần bị đánh mất?
Đã thành thói quen, vào các tối thứ 7 hàng tuần khán giả Thủ đô lại tìm đến cổng chợ Đồng Xuân để nghe và xem các nghệ sĩ của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam biểu diễn hát xẩm. Mặc dù mới nhen nhóm phát triển trong vài tháng gần đây nhưng loại hình nghệ thuật rất kén người nghe này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Hà Thành. Hơn nữa, đây cũng là dịp để quảng bá cho khách du lịch hiểu hơn về âm nhạc dân gian Việt Nam.
Với nhiều người, khi tìm đến với buổi biểu diễn chỉ đơn thuần là sự tò mò. Họ ngạc nhiên khi giữa một Hà Nội hiện đại và ồn ã lại xuất hiện những người mặc áo thâm, đeo kính, đội nón lá vừa kéo nhị vừa say sưa với những bài xẩm, những điệu hát trống quân hay những câu quan họ ngọt ngào. Họ ngạc nhiên khi giữa những âm thanh hỗn độn của đường phố bất chợt nghe thấy tiếng trống chầu, tiếng sênh phách, tiếng hát ngân nga trong vắt.
Một tiết mục xẩm
Từ chỗ thấy “hay hay”, “là lạ” họ dần để ý, tìm hiểu và trở thành khán giả trung thành trong mỗi buổi tối thứ 7 ở cổng chợ Đồng Xuân. Bạn Nguyễn Lan Anh, sinh viên trường Kinh tế Quốc dân cho biết: “Tôi chỉ được nghe nói qua sách báo hay ti vi về xẩm, chầu văn chứ chưa được nghe biểu diễn bao giờ. Bây giờ được “tai nghe mắt thấy” thì dần thấy thích chứ không cảm thấy “khó nghe”.
Có thể coi âm nhạc dân gian là hiện thân của cái hồn Việt Nam, nghe và cảm nhận những gì được coi là tinh tuý của âm nhạc Việt Nam. Chị Đỗ Thị Nương, ở phố Hàng Than nói: “Hồi bé tôi cũng được nghe hát xẩm nhưng nghe là chỉ nghe thôi, bây giờ mới cảm nhận được từng câu, từng chữ trong mỗi bài hát. Hầu như tuần nào tôi cũng ra đây nghe hát “.
Phải chăng khi người ta tất bật với guồng quay của cuộc sống, lo với nỗi lo của cơm áo gạo tiền, đã cám cảnh với những âm thanh sôi động nơi phố phường thì trong tiềm thức họ lại muốn tìm về với ” ngày xưa” với những giai điệu ngọt ngào làm mê đắm lòng người, chân tình và mộc mạc của “mắt í a mắt cười là cười lóng lánh í a cùng là như sao..” hay “Hà Nội như động tiên sa, sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần, vui nhất có chợ Đồng xuân, mùa nào thức nấy xa gần xem mua…”
Tiết mục chầu văn” Cô bé thượng ngàn”
Không chỉ những người Việt tìm đến chợ đêm nghe hát để tìm về “hồn quê” mà hát xẩm còn níu kéo được bước chân của những “ông tây bà đầm”. Anh Fred Thrather, người Mỹ đang hào hứng đứng nghe và chụp ảnh bên chiếu hát cho biết: “Âm nhạc của các bạn rất thu hút tôi”.
Ít ai biết được rằng để có được những buổi biểu diễn phục vụ khán giả vào mỗi buổi tối cuối tuần là sự vất vả, lao tâm khổ tứ của các nghệ sĩ tâm huyết với nghề. Sau quá trình sưu tầm và nghiên cứu, từ năm 2005 đến nay Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã dựng lại nhiều bài hát, điệu múa đang có nguy cơ bị thất truyền như “Con đĩ đánh bồng”, “Xẩm tàu điện”, “Vui nhất có chợ Đồng Xuân”…để trình diễn phục vụ công chúng.
Giới trẻ 8x, 9x hiện nay có thể coi là quá trẻ để có thể cảm nhận được hết âm nhạc truyền thống mà họ cho là “khó nghe” hay nhạc ” già” không? Những điều tưởng chừng như không thể ấy lại đã và đang dần xuất hiện giữa Hà Nội. Hy vọng trong tương lai hát xẩm thu hút nhiều công chúng hơn.
Quỳnh Giang
Nhan sắc mặn mòi, lại thông minh, lém lỉnh và có giọng hát trời phú, nghĩa là sở hữu nhiều điều mà một người cần có để tìm đến làng âm nhạc trẻ trung, song chị lại chọn cho mình một loại hình nghệ thuật dân gian, đó là hát Xẩm. Rồi suốt những năm tháng qua, chị miệt mài trên lối đi riêng ấy. Đó là nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Phương.
Sinh ra trên vùng “đất mỏ”, Thu Phương sớm đã bộc lộ năng khiếu với âm nhạc dân gian từ thủa nhỏ. Tố chất ấy thể hiện rõ ở năm lên 3 tuổi, khi bé tí teo mà Phương đã líu lo hát bài xẩm “Mục hạ vô nhân” cùng những khúc dân ca Việt Nam. Chương trình “Sân khấu truyền hình” chiếu trên ti vi vào tối thứ 7 cũng luôn là “món ăn tinh thần” được cô bé con ấy háo hức mong chờ nhất. Thu Phương “say” chương trình này đến nỗi trong khi anh trai, em gái đều lăn ra ngủ thì vẫn mải mê theo dõi từ đầu đến cuối các vở tuồng, chèo, cải lương. Những giai điệu mượt mà, sâu lắng của âm nhạc dân làm cô gái sinh năm Ất Sửu cứ nghe đi, nghe lại mãi không chán. Rồi lớn lên, những chuyến đi cùng gia đình, bạn bè sang Bắc Ninh, nghe quan họ cổ không nhạc đệm, nghe giọng hát vang, rền, nền, nảy của các liền anh liền chị Kinh Bắc, khiến cô gái trẻ mê mẩn như bị bắt mất hồn. Từ ấy, ước mơ lớn nhất Phương là được trở thành nghệ sĩ hát nhạc dân gian.
![]() Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Phương. Nguồn: afamily.vn |
Thấy cô con gái “rượu” mê nhạc nhạc dân tộc như vậy song do gia cảnh thuần nông không có điều kiện, lại e ngại lời đàm tiếu “xướng ca vô loài” nên mẹ Phương một lòng muốn cô lớn lên thì học lấy cái nghề ổn định chứ dứt khoát không chiều theo ý muốn của Phương. Nghe lời mẹ, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh, Thu Phương cùng bạn bè mở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp để trang trải cuộc sống… Nhưng tình yêu với những làn điệu dân gian vẫn không ngừng âm ỉ trong cô. Rồi một lần tình cờ, hay tin Trung tâm Phát triển Âm nhạc Việt Nam tuyển người có tâm huyết để đào tạo hát xẩm và hát trống quân, niềm đam mê bấy lâu trong cô gái trẻ lại bùng lên. Sau một tuần thức trắng, Thu Phương quyết định gọi điện đến Trung tâm Phát triển Âm nhạc Việt Nam gặp nhạc sĩ Thao Giang để trình bày nguyện vọng của mình. Nhận được cái gật đầu đồng ý của Nhạc sĩ, cô quyết định vượt qua sự ngăn cản của cha mẹ để lên Hà Nội bắt đầu một chặng đường mới.
“Buổi nghe Thu Phương thử giọng không chỉ có tôi mà còn có các nghệ sĩ ở Trung tâm Phát triển Âm nhạc Việt Nam như NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Văn Ty và NSND Xuân Hoạch. Khi cô gái này cất tiếng hát, ai cũng vui mừng nhận thấy tố chất, năng khiếu của cô gái này, đồng thời ấn tượng trước chất giọng khàn khàn, nhấm nhẳng, giàu cảm xúc, có sức cuốn hút kỳ lạ của Thu Phương. Mọi người đã tin rằng, Thu Phương sẽ là một nghệ sỹ xẩm đích thực. Cũng vì thế, các nghệ sĩ ở Trung tâm đã dồn tâm huyết truyền dạy hết các ngón nghề cho Thu Phương” – Nhạc sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Âm nhạc Việt Nam kể lại.
Được tuyển vào Trung tâm Phát triển Âm nhạc Việt Nam, thế nhưng, học về nhạc mà hành trang của Thu Phương lúc đó chỉ vẻn vẹn bảy nốt nhạc, còn hát thì mang tính bản năng. “Các thầy phải dạy tôi tất cả, từ cách nhả chữ, rung, luyến, cách hát làm sao phải tròn vành, rõ chữ, rồi khắc phục cả lỗi tiếng địa phương. Vì thế, để bù đắp lại những thiếu hụt của bản thân, tôi lao vào học: một ngày học trên trung tâm 10 tiếng, về nhà lại lao đầu vào sách vở tự học…” – Thu Phương nhớ lại.
Khó khăn là vậy, nhưng như con cá được thả vào dòng nước, từ năng khiếu thiên bẩm, sự nỗ lực của bản thân, lại thêm sự dìu dắt của các nghệ sĩ, nên chỉ sau 3 tháng học, cô đã được nhận làm nhân viên chính thức của Trung tâm. Và rồi, cô gái trẻ cũng được Trung tâm Phát triển Âm nhạc Việt Nam tin tưởng cho ra biểu diễn “trình làng” cùng các nghệ sỹ tên tuổi vào các đêm xẩm ở chợ Đồng Xuân trong chương trình “Hà Nội 36 phố phường”. Trong chương trình đó, ngoài hát bè và biểu diễn minh họa trong bài xẩm “Mục hạ vô nhân”, cô còn thường tự mình thể hiện tác phẩm “Theo Đảng trọn đời” nhuần nhuyễn và truyền cảm với sự gần gũi, lột tả cảm xúc chân thật, sâu sắc. Còn khán giả chợ đêm Đồng Xuân cũng nhanh chóng quen và nhớ gương mặt, giọng hát của nghệ sỹ trẻ Thu Phương. Nhiều người còn bảo rằng: Đã đến chợ Đồng Xuân mà không dừng lại nghe Thu Phương hát Xẩm thì chưa thực sự được hưởng trọn cái thú vị của một tối lang thang phố cổ.
Kể về những chuyến lưu diễn, Thu Phương bảo rằng, nhớ nhất là lần ở quê nhà vào mùng 4 Tết, bà con nghe thông báo có đoàn nghệ thuật tới biểu diễn nên kéo đến nườm nượp. Tối ấy, Phương trình bày bài xẩm “Theo Đảng trọn đời” tái hiện hình ảnh người mẹ bế đứa con nhỏ đi hát để kiếm sống. Nghe Phương hát, ai nấy đều xúc động. Nhưng chỉ đến lúc Phương cúi chào, các cô các bác mới nhận ra “cái Phương, cái Phương làng mình hát chứ làm gi có bà mẹ bế con đi hát rong nào!”. Họ không thể ngờ cô bé ngày nào nay lại thành nghệ sĩ hát xẩm hay đến thế.
Không chỉ tham gia các buổi biểu diễn phục vụ quần chúng, Thu Phương còn thường xuyên tham gia các chương trình của Đài truyền hình, Đài tiếng nói, biểu diễn phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước, và tham gia hướng dẫn miễn phí cho những người yêu thích hát Xẩm, hát Trống quân. Đến nay, các lớp học miễn phí này đã thu hút được nhiều học viên tham gia, với đủ các lứa tuổi. Phương kể rằng: Có những em nhỏ cũng được bố mẹ đưa đến để học hát, nhìn các em say sưa học, tôi tin rằng trong tương lai, hát Xẩm sẽ không dễ gì bị mai một.
Từ mong ước thủa bé thơ để rồi liều lĩnh dấn thân theo sự lựa chọn của riêng mình và nay trở thành Thu Phương- nghệ sỹ hát Xẩm tên tuổi trong làng nhạc dân gian Việt Nam. Tất cả chỉ đều là vì nghệ thuật, vì niềm đam mê với nghệ thuật cha ông. Điều đó cho thấy, phải có những người dành trọn tâm hồn cho nghệ thuật, theo nghệ thuật đến tận cùng thì mới làm nên sự đặc sắc của nghệ thuật.
Anh Tùng
Báo Tin tức – 14 tháng trước
http://www.baomoi.com/Nguoi-neo-giu-hon-Xam-Ha-thanh/71/7769804.epi
Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, nghệ nhân quan họ tại Hội Lim nhận “nghiêm lệnh” tuyệt đối không cầm tiền từ du khách. Nhưng xem ra, điều này rất khó khả thi trên thực tế.
1. “Chúng tôi đã phổ biến rõ, và yêu cầu các trưởng đoàn quan họ kí biên bản cam kết. Cán bộ của Ban tổ chức có mặt ở khắp các điểm hát để theo dõi, ai vi phạm xin mời… nghỉ biểu diễn ở các mùa hội sau” – ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Du, thành viên BTC Hội Lim, trao đổi với TT&VH về “nghiêm lệnh” nói trên.
Thực tế, cụm từ “ngả nón xin tiền” đã gắn liền với Hội Lim suốt nhiều năm qua, khi dư luận liên tục nhắc tới cảnh các liền chị tại đây mời trầu và… ngả lòng nón nhận “mở hàng” của du khách. Bởi vậy, từ một tháng trước, BTC Hội Lim 2013 đã đưa ra quyết định này. Tất nhiên, không chỉ với quan họ trên thuyền, các liền anh liền chị biểu diễn trên… đất liền cũng không được phép nhận tiền như thông lệ. Bù lại, BTC sẽ xem xét trích thêm một khoản kinh phí ngoài kế hoạch để trả thù lao cho các nghệ nhân biểu diễn.
Du khách cố gắng đưa tiền cho các nghệ nhân tại Hội Lim 2013 (Ảnh chụp sáng 21/2)
Thậm chí, sau khi từng tổ chức thành công cuộc thi Mầm non quan họ cho các thiếu nhi đất Kinh Bắc, Đoàn TNCS HCM tỉnh Bắc Ninh có ý định xin được dựng một trại riêng để các bé trai, bé gái biểu diễn tại Hội Lim 2013 nhưng cũng lập tức bị từ chối. Lí do, theo kinh nghiệm hàng năm, những bé gái lũn cũn cầm micro hát quan họ luôn được du khách cưng chiều nhất khi mừng tuổi lấy may.
Thế nhưng, theo quan sát của TT&VH trong ngày khai hội hôm qua 21/2, việc đưa tiền cho các nghệ nhân đất quan họ vẫn xuất hiện với mật độ khá dày đặc. Dù nghệ nhân rụt rè từ chối, nhiều du khách vẫn nhiệt tình “cưỡng chế” họ bằng cách ấn tiền vào tay cho được mới thôi. Kết quả là khi biểu diễn hoặc mời trầu, các nghệ nhân phải dùng tờ rơi quảng cáo Hội Lim để che bàn tay cầm tiền, hoặc cố gắng giấu dưới đáy khay trầu một cách rất tội nghiệp.
Thậm chí, cảnh đùn đẩy đã diễn ra khi thuyền quan họ biểu diễn tại ao đình Lim. Tới chơi hội, một đoàn cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc khi hát giao duyên đã bằng mọi giá chặn thuyền lại để đề nghị cầm vài tờ 100.000 đồng bồi dưỡng. Ngoài ra, đứng quanh ao, rất nhiều khán giả đành gấp tiền, thậm chí kẹp vào lon bia để ném xuống lòng thuyền – khi các nghệ nhân không dám ghé lại sát bờ.
“Tiền chẳng đáng bao nhiêu. Họ biểu diễn phục vụ, mình quý nên muốn ủng hộ, vậy thôi. Đi vào tít sâu trong đình Lim để tìm hòm công đức thì xa, mà lại không… thân mật và tình cảm” – một khán giả vừa ném tiền vào thuyền, vừa trả lời TT&VH.
2. “Chúng tôi cũng rất đau đầu về điều này. Lãnh đạo tỉnh có nghiêm lệnh như vậy, không mấy nghệ nhân dám cầm. Nhưng, chẳng lẽ lại dừng canh hát để xô đẩy, trả tiền bằng được cho du khách” – ông Nguyễn Quốc Tuấn nói thêm. Theo lời ông Tuấn, trước Hội Lim 2013, một số cán bộ tổ chức đã nghĩ tới việc dựng các hòm nhận tiền tại Hội Lim với dòng chữ Quỹ bảo tồn và phát triển văn hóa quan họ tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ý tưởng này không được triển khai.
Cũng chẳng biết trách ai, khi từ một nét đẹp thể hiện chút lòng tri ân, việc “cám ơn” nghệ nhân quan họ đã biến dạng lệch lạc trong những năm qua và để lại sự lúng túng cho cả du khách, người biểu diễn lẫn những cơ quan quản lý khi tìm cách khắc phục. Giống như một câu chuyện khác: được yêu cầu không biểu diễn qua micro, các nghệ nhân tại Hội Lim cho tới chiều qua 21/2 hầu hết đã khản giọng, và BTC bắt đầu tính tới phương án đành cho phép họ sử dụng lại, với điều kiện giữ âm lượng ở mức nhỏ.
Hội Lim 2013 bắt đầu cho thấy sự quy củ và lịch sự hơn, nhưng chắc chắn sẽ phải mất thêm vài năm để tìm cách hoàn thiện cả hai chữ “lý” và “tình”.
Theo Thể thao & Văn hóa