Cây đờn kìm với ‘dây Tố Lan’ ai oán
Friday, October 25, 2013 4:02:32 PM
Ngành Mai
Trong các buổi sinh hoạt đờn ca tài tử, cây đờn kìm dây Tố Lan phát ra âm điệu nghe buồn khó tả, làm rung cảm lòng người. Càng về khuya thì tiếng đờn lại càng não nùng ai oán hơn. Do vậy mà những người am tường lịch sử dây Tố Lan đã liên tưởng đến cái gì đó, và nghĩ rằng phải chăng nàng Tố Lan đã về thâm nhập vào làn điệu, khiến cho tiếng đàn thống thiết bị ai.
Hình ảnh hoạt động của giải Phụng Hoàng trong thời gian qua. Ban tổ chức mời quan khách lên trao văn bằng, huy chương vàng và tiền thưởng cho thí sinh trúng giải: Ông Chánh Án Nguyễn Trọng Nho trao phần thưởng cho thí sinh Trìu Khang (San Diego) trúng giải nhì về phía nam. Bên trái là nữ thí sinh Ngọc Linh. (Hình: Hội Cổ Nhạc cung cấp) |
Giới đờn ca tài tử, cũng như nghệ sĩ cải lương sau này có mấy ai hiểu rằng, dây Tố Lan đờn kìm ra đời từ đâu, và ai đã sáng tạo ra nó? Nếu như cố công sưu tầm tìm hiểu thì người ta sẽ biết rằng, nhạc sĩ Bảy Triều đã tìm ra dây Tố Lan do một sự ngẫu nhiên, mà tình tiết không khác chuyện tình sân khấu, chứa đựng khá nhiều chất lãng mạn của thơ văn.
Tố Lan là tên của một nữ sinh trường Áo Tím, tức trường nữ trung học Gia Long sau này. Nàng biết đờn và ca khá hay.
Có dịp nhạc sĩ Bảy Triều quen với Tố Lan qua những cuộc đờn ca tài tử. Cảm nhau qua âm nhạc, hai người yêu nhau, thề non hẹn biển. Tố Lan dự định bãi trường (nghỉ hè) sẽ về xin cha mẹ và nếu được chấp thuận, nàng sẽ báo tin cho Bảy Triều để làm lễ hỏi cưới xin.
Song, duyên âm nhạc không se nợ ái tình, ngờ đâu Tố Lan bạo bịnh qua đời. Bảy Triều được tin, ôm khối tình sầu khổ, và chỉ còn gởi lòng mình vào tiếng tơ đờn kìm.
Một hôm vì thương nhớ Tố Lan, Bảy Triều định mượn tâm sự Bá Nha khóc Tử Kỳ để khóc nàng. Nhạc sĩ tài hoa ôm cây kìm đờn bản Tứ Ðại dây Hò tư để sáng tác lời ca.
Nhưng viết nửa chừng thì có chuyện cần gấp, Bảy Triều vội vã ra đi. Khi trở về viết tiếp, cầm đờn lên khảy thì dây Tồn tuột xuống, Bảy Triều sợ điều chỉnh dây đờn sẽ quên lời ca mình nhẩm trong lòng, nên dò chữ âm Liu để tìm thang đờn tiếp. Dây đờn tuột xuống tạo ra âm điệu thâm trầm não nuột, Bảy Triều tiếp tục dùng dây này viết lời ca bản Tứ Ðại. Và kể từ đó nhạc sĩ luyện tập thật nhuần nhuyễn, ai nghe qua cũng khen hay, bắt chước.
Biết được tâm sự của Bảy Triều, lâu ngày giới chơi nhạc tài tử đặt tên là “dây Tố Lan” để nhắc nhở người nữ sinh bạc số của trường Áo Tím. Qua lịch sử dây Tố Lan đờn kìm, hẳn những ai rung cảm khi thưởng thức điệu thức Oán có thể nói rằng, trong nhạc tài tử, sự ngẫu nhiên đã có lần cho ra đời dây đờn Tố Lan.
Rồi đến thập niên 1950 tại ga xe lửa Bảo Chánh, Biên Hòa, nhạc sĩ Văn Còn cũng do sự “lạc dây đờn” ngẫu nhiên mà cây guitar cho âm điệu rất hay, và nhạc sĩ Văn Còn đã lấy địa danh đặt tên dây đờn mới tìm ra ấy. Về sau dây Bảo Chánh được soạn giả Viễn Châu đề nghị đổi tên là dây Ngân Giang, lưu truyền luôn cho đến bây giờ.
Nhạc sĩ Bảy Triều tức Trần Văn Chiều, người làng Vĩnh Kim, chợ giữa Rạch Gầm, tỉnh Mỹ Tho, ông là thân sinh Giáo Sư Trần Văn Khê.
Trong số những nhạc sĩ thủ cây đờn kìm, có nhạc sĩ Út Trong là nổi tiếng nhiều nhứt. Do bởi “lò” Út Trong đường Trần Hưng Ðạo, Sài Gòn từng đào tạo nhiều ca sĩ cổ nhạc, rất nhiều nghệ sĩ cải lương xuất thân từ “lò” Út Trong đã thành danh, mà nghe nói có ca sĩ tân nhạc Thanh Tuyền.
Nhạc sĩ Út Trong từng là nhạc trưởng ban cổ nhạc đoàn Thành Minh trong nhiều năm, và là thầy của nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Người ta nói nhạc sĩ Út Trong đã sử dụng dây Tố Lan cây đờn kìm để dạy Thanh Nga ca thành thạo các bài bản oán. Có lẽ do vậy mà tiếng ca Thanh Nga trở nên buồn thảm, dễ thâm nhập vào vai trò thương đau trong kịch bản. Sự nổi danh của Thanh Nga một phần do ngón đờn dây Tố Lan của nhạc sĩ Út Trong vậy.
Hiện nay ít nhạc sĩ sử dụng đờn kìm trong các bản Oán bằng dây Hò tư, ngoại trừ khi đệm cho sân khấu cải lương. Bởi vì âm sắc của dây Tố Lan hòa quyện cao độ với tánh chất Oán, tạo ra sắc thái đặc thù trong điệu thức, và để đi vào tình cảm người nghe.
Ðến cuối thập niên 1960, trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn, có cô học viên tên Tố Lan, môn đệ của nhạc sĩ Hai Khuê. Không biết nàng Tố Lan này ra trường lúc nào, nhưng người ta thỉnh thoảng nghe tiếng ca trên làn sóng đài phát thanh. Có những người biết sự tích dây Tố Lan, họ mong rằng cuộc đời Tố Lan sau sẽ không giống như Tố Lan của ngày trước.